Ngày 14-11-1998 đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Cùng với Nga và Peru, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sau 2 năm tích cực chuẩn bị. APEC được xem là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng tại châu Á – Thái Bình Dương.
Trước đó hơn 2 năm, ngày 15-6-1996, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập APEC sau khi nhận thấy tầm quan trọng của diễn đàn này đối với sự phát triển kinh tế và đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tiếp đó, theo yêu cầu của APEC, tháng 8-1996, Việt Nam gửi đến APEC “Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam” (Aide Memoire). Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp, Việt Nam xin tham gia với tư cách khách mời vào các nhóm công tác xúc tiến thương mại, khoa học và công nghệ công nghiệp, hợp tác kỹ thuật nông nghiệp của APEC để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức. Lúc bấy giờ, Việt Nam nhận định đây là 3 nhóm mà nước ta có khả năng đóng góp, đồng thời có thể đem lại những lợi ích cụ thể cho nền kinh tế.
Ngay sau khi gia nhập APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều chương trình, dự án hợp tác của APEC; đồng thời nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn về vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực… Năm 2006, Việt Nam lần đầu đóng vai trò chủ nhà Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor, các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác APEC và đề ra triển vọng dài hạn. Năm 2014, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội.
Bên cạnh vai trò tổ chức sự kiện, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, trong đó có hơn 100 dự án thuộc nhiều lĩnh vực (thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế – kỹ thuật, y tế, an ninh lương thực…). Năm 2016, Việt Nam tham gia xây dựng các định hướng hợp tác dài hạn của APEC, thể hiện “sự chủ động đóng góp, tham gia định hình các cơ chế đa phương” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) APEC 2017 diễn ra vào tháng 3 vừa qua ở Nha Trang, ông Salman AL Farisi, chuyên gia cao cấp nhóm công tác Indonesia nhận định, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế nên cũng có nhiều đóng góp thực chất cho các chương trình hợp tác của APEC.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Taeho đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam trong việc chuẩn bị các chương trình công tác của Năm APEC 2017. Những ưu tiên của Việt Nam, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, được đánh giá phù hợp với chương trình nghị sự của APEC.
Hiện APEC tiếp tục là một trong những diễn đàn hợp tác quan trọng hàng đầu mà Việt Nam tham gia trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong lễ khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại (MRT) lần thứ 23 ngày 20-5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam tham gia APEC từ năm 1998 và APEC ngày càng có vai trò quan trọng đối với chúng tôi. Hiện nay, các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, 75% thương mại hàng hóa, 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC. Có 13 thành viên APEC là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam”.
Năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đăng cai APEC. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh nhận định: Đây là một trọng tâm đối ngoại của đất nước và là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Các hoạt động trong năm 2017 còn là cơ hội để nước ta đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, đặc biệt là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt. Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng, dự kiến diễn ra nhiều cuộc gặp, chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC tới Việt Nam, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương cũng như sự phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Từ góc độ kinh tế – xã hội, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu Bogor và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của APEC cùng nỗ lực của Việt Nam nhằm hoàn tất các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do của ASEAN sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước. Đó là tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với các địa phương và doanh nghiệp, khoảng 200 hoạt động của APEC trong năm 2017 mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch… Riêng Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng dự kiến có khoảng 10.000 đại biểu, đại diện doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế cùng các tập đoàn truyền thông lớn tham dự. “Đó là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động cũng như lợi thế so sánh của các địa phương, vùng miền trên cả nước. Đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mài dũa năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh văn hóa hội nhập của đất nước”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định.
Theo Báo Đà Nẵng