Báo Đà Nẵng nhận được kiến nghị của nhiều người dân ở thôn Gò Hà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) có nguyện vọng được tái định cư (TĐC) tại chỗ khi diện tích đất ở còn lại sau bàn giao mặt bằng cho dự án đường vành đai phía nam còn nhiều. Bên cạnh đó, bà con cũng kiến nghị giải quyết việc áp giá đền bù đối với dự án thấp so với giá đất thực tế hiện nay.
Theo nhiều người dân thôn Gò Hà, việc áp giá đền bù theo Quyết định 63/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 của UBND thành phố đối với Dự án đường vành đai phía nam thực hiện năm 2016 là không hợp lý. Trong khi giá cả mọi thứ đã tăng nhiều, tính trượt giá so từ năm 2013 đến nay là rất đáng kể.
Hơn nữa, nhiều hộ dân chỉ dính vệt dự án phần diện tích nhỏ nhưng buộc đi hẳn, họ không đồng ý di dời và mong muốn TĐC tại chỗ (thực ra là ở lại trên đất của mình). “Nhà ông Trần Thạch có diện tích rất rộng, dự án đi qua, phần diện tích dính vệt chỉ rất nhỏ so với tổng diện tích, nên ông ấy không muốn di dời, mà ở lại ngay trên mảnh đất của mình”, một người dân cho biết.
Theo ông Trần Em, Bí thư chi bộ – Trưởng thôn Gò Hà, hiện nay, người dân có đất dính vạch dự án đều chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng. Đối với việc kiến nghị giải quyết áp giá đền bù thấp, họ mong muốn bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
Đối với mong muốn ở lại ngay phần đất còn lại (không dính dự án) cũng rất chính đáng, vì ở đây họ còn đất sản xuất nông nghiệp, sẽ thuận lợi canh tác cây trồng hơn. “Đơn cử, nếu có 100m2 đất dính dự án 2/3, buộc di dời không nói làm gì. Đằng này, cả 100m2 đất, chỉ dính vệt 10m2 đất mà cũng buộc di dời để bàn giao phần còn lại cho dự án thì họ không thống nhất. Chưa kể, nếu mai đây thành phố quy hoạch phần đất đó thành các khu TĐC, khu dân cư mới (kiểu khai thác quỹ đất) thì làm sao người dân đồng thuận”, ông Em nói.
Được biết, thôn Gò Hà có 260 hộ, trong đó hơn 100 hộ liên quan đến Dự án đường vành đai phía nam (cả hồ sơ đất ở và đất nông nghiệp). Có gần chục hộ đi hẳn. Hầu hết người dân thôn Gò Hà còn đất sản xuất tại chỗ (trên 100ha đất nông nghiệp, chỉ dính dự án khoảng 6ha).
Theo ông Trần Em, nếu buộc di dời, người dân cũng yêu cầu cơ quan chức năng cần có lộ giới giải tỏa là bao nhiêu mét (tính từ đường chính) để bảo đảm công bằng cho các hộ dân. Theo ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, nguyện vọng TĐC tại chỗ của người dân Gò Hà cũng rất chính đáng, bởi mong muốn gìn giữ truyền thống gắn kết trong cộng đồng dân cư nông thôn từ bao đời nay. Bên cạnh đó, nếu được ở lại tại chỗ sẽ thuận lợi trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp vì gần nhà, quen thổ nhưỡng, không khí.
Theo ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, việc đền bù theo Quyết định 63 là đúng, bởi Dự án vành đai phía nam tuyến Hòa Phước – Hòa Khương thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố. Hội đồng giải phóng mặt bằng đã đề xuất UBND thành phố thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường theo mặt bằng giá đất nào thì bố trí đất TĐC theo mặt bằng giá đất đó.
Người dân không lo bị thiệt thòi, bởi nếu áp dụng giá bồi thường cao, cũng đồng nghĩa giá đất TĐC sẽ nâng lên tương ứng. “Chúng tôi bảo đảm không để người dân chịu thiệt thòi trong việc đền bù, giải tỏa, di dời. Ngoài việc áp dụng nguyên tắc kể trên thì trước đề xuất của Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện, thành phố cũng đã đồng ý hỗ trợ trượt giá thêm 20% đối với giá trị nhà cửa, vật kiến trúc để bảo đảm sát với đơn giá bồi thường tại thời điểm giải tỏa”, ông Dũng nói.
Đối với kiến nghị các hộ dân mong muốn TĐC tại chỗ, ông Dũng cho rằng, không thể được vì theo quy định, chủ trương của thành phố là sẽ vận động đi hẳn nhằm bảo đảm tính ổn định trong quy hoạch chung. Hơn nữa, về lâu dài, quy hoạch bố trí dân vào các khu TĐC nhằm tăng cường và phát triển dịch vụ, giảm tỷ lệ phát triển nông nghiệp là mục tiêu chung của huyện cũng như thành phố.