Vài năm trở lại đây, tình hình các bãi biển phía đông Đà Nẵng có biểu hiện ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Tuy nhiên, ngành môi trường đã lấy mẫu tại 11 cửa xả ở khu vực phía đông và vịnh Đà Nẵng, kết quả phân tích chất lượng nước thải chảy tràn ra biển cho thấy các thông số cơ bản đều trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết, bờ biển Đà Nẵng có chiều dài khoảng 92km, có vùng lãnh hải thềm lục địa với độ sâu 200m, tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế tổng hợp biển và giao lưu với nước ngoài. Khu vực biển phía đông, bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp và được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Để kiểm soát chất lượng môi trường biển với các thông số vật lý (pH), hóa học (dầu mỡ khoáng, NH4+-N, COD, TSS) và sinh học (coliforms), UBND thành phố đã phê duyệt chương trình “Quan trắc môi trường tổng hợp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” tại Quyết định số 2189/QĐ-UBND ngày 4-5-2006.
Năm 2014, UBND thành phố phê duyệt Đề án “Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” tại Quyết định số 5117/QĐ-UBND ngày 30-7-2014, trong đó khu vực phía đông có 8 vị trí quan trắc nước biển gồm các bãi tắm Hòa Hải, Non Nước, Bắc Mỹ An, Mỹ Khê, Phước Mỹ, Mân Thái, Thọ Quang, bãi đá Móng Ngựa đã được thực hiện từ năm 2006-2015 với tần suất 6 lần/năm, từ năm 2016 đến nay thực hiện quan trắc tại 4 vị trí với tuần suất 1 tháng/lần.
Công tác quan trắc chất lượng nước biển giai đoạn 2011-2015 cho thấy, trong giai đoạn 2010-2014, chất lượng nước biển phía đông nhìn chung tương đối tốt, lượng oxy hòa tan trong nước bảo đảm điều kiện cho phép đối với bãi tắm, chất rắn lơ lửng trong nước biển có giá trị thấp hơn hoặc chạm ngưỡng của quy chuẩn cho phép; lượng oxy hòa tan (DO) trong nước biển ở các bãi tắm khu vực biển phía đông thỏa mãn điều kiện cho phép đối với bãi tắm; hàm lượng DO đo được dao động từ 3,4÷ 7,3 mg/l, giá trị trung bình năm tại tất cả các bãi tắm đều bảo đảm hàm lượng DO trên 4 mg/l, chất rắn lơ lửng TSS bảo đảm quy chuẩn, hàm lượng TSS tại các bãi tắm dao động từ 2 ÷ 147 mg/l, giá trị trung bình năm dao động từ 10÷ 68 mg/l…
Giai đoạn từ 2015 đến nay, theo kết quả quan trắc, tại hầu hết vị trí bãi tắm, chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép đối với COD, NO3-, NH4+, PO43-, coliforms và dầu mỡ (theo quy chuẩn Việt Nam 10-MT:2015/BTNMT quy định cho vùng bãi tắm và thể thao dưới nước). Trong một vài thời điểm mưa lớn, ngành môi trường đã lấy mẫu tại 11 cửa xả ở khu vực phía đông và vịnh Đà Nẵng, kết quả phân tích chất lượng nước thải chảy tràn ra biển cho thấy các thông số cơ bản đều trong giới hạn cho phép của quy chuẩn…
Những năm trở lại đây, với tốc độ phát triển đô thị của khu vực phía đông, nhất là dịch vụ – thương mại và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, cộng với hạ tầng kỹ thuật không song hành đồng bộ, dẫn đến quản lý nước thải không tốt. Cụ thể, hệ thống thoát nước thải của Đà Nẵng là chung (nước mưa và nước thải cùng chung cống thoát), hạ tầng không đáp ứng nên thu không triệt để, chảy tràn ra biển tại các vị trí cống xả thỉnh thoảng vào mùa nắng và thường xuyên vào mùa mưa, gây ô nhiễm cục bộ trong một số thời điểm tại các vị trí chảy tràn ra biển. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Vinh, với nguyên lý là nước biển có nồng độ oxy hòa tan khá cao, cao hơn nồng độ oxy hòa tan trong nước các sông, cộng với độ muối cao, nên khả năng tự làm sạch của vùng ven biển lớn hơn nhiều so với khả năng tự làm sạch của sông.
Để đáp ứng nhu cầu thu gom tại khu nước thải, theo ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 5 năm tới, hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đô thị được đầu tư đồng bộ hơn trong khuôn khổ các dự án “Phát triển bền vững”, “Cải thiện môi trường nước”; đồng thời hệ thống thu gom nước thải phía đông sẽ được nghiên cứu triển khai xây dựng.
Ngoài ra, sẽ triển khai đấu nối nước thải toàn bộ từ các cơ sở dịch vụ du lịch phía đông còn lại, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải dầu mỡ từ các phương tiện giao thông trên biển; lắp đặt hệ thống cảnh báo và quan trắc tự động khu vực biển ven bờ.
Thành phố sẽ xây dựng mạng lưới quan trắc nước biển tự động liên tục để chủ động khuyến cáo kịp thời cho người dân và du khách yên tâm tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại khu vực biển Đà Nẵng. Đây là một giải pháp được thực hiện ở các nước phát triển như Úc, Mỹ, xuất phát từ nhận thức điều kiện môi trường luôn thay đổi.
Theo baodanang.vn