Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động mạnh dần kết hợp với phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động trên Biển Đông, vì vậy ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khu vực bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Tổng lượng mưa từ 7 giờ ngày 9-10 đến 19 giờ ngày 10-10 phổ biến 100-150mm, riêng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi mưa lớn hơn 200mm. Từ chiều tối nay ở nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và nam Sơn La có mưa vừa, có nơi mưa to.
Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cảnh báo, từ chiều 9-10 đến ngày 11-10 trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Đỉnh lũ trên các sông Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động (BĐ) 1-BĐ2; các sông Thừa Thiên-Huế lên mức báo động BĐ1, trên BĐ1; các sông từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi còn ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, đặc biệt khu vực Quảng Bình – Thừa Thiên-Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, trên đất liền có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Gió bắc đến đông bắc cấp 3-4, từ chiều nay gió đổi hướng và mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, giật cấp 7-8.
Vùng biển: Có mưa rào và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Gió bắc đến đông bắc, cấp 5, từ chiều gió thay đổi mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Độ cao sóng 1,25-2,25m, sau tăng dần lên 2-5m.
Trước tình hình đó, sáng 9-10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công điện số 1 yêu cầu: Chủ tịch UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống ATNĐ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sơ tán nhân dân, các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, đặc biệt chú ý nhân dân tại khu vực ven sông Yên, Túy Loan và Cu Đê; thông báo tình hình, diễn biến ATNĐ cho nhân dân biết để chủ động ứng phó.
Đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng và yêu cầu Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, tăng cường thời lượng đưa tin về ATNĐ và tình hình mưa lớn để các cơ quan, nhân dân biết, chủ động đối phó.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, chú ý những tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động tại vùng nguy hiểm; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; phối hợp với các địa phương và các đơn vị: Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản thành phố tổ chức đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; nghiêm cấm tàu thuyền đi vào neo đậu trên sông Hàn; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn; chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các chủ nuôi cá lồng bè trên địa bàn thành phố tổ chức neo lồng bè an toàn, tuyệt đối không cho người ở lại trên bè khi có ATNĐ đổ bộ.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả ATNĐ, lũ.
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và UBND các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, hạn chế cháy nổ xảy ra. Ủy quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến của ATNĐ và mưa lớn, cho học sinh nghỉ học từng vùng, từng khu vực và tổ chức học bù vào thời gian thích hợp.
Các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các sở liên quan đến công tác xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án triển khai phương án phòng, chống ATNĐ cho công trình (lưu ý đối với các công trình thi công có dùng cẩu tháp) và có phương án xử lý ngập úng các công trình đang thi công dở dang.
Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo triển khai phương án chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành.
Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và các địa phương chỉ đạo, tổ chức chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, bảo đảm an toàn giao thông. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hồ chứa và triển khai phương án phòng, chống lũ các hồ chứa nước, đăc biệt lưu ý hai hồ chứa nước Hòa Trung và Đồng Nghệ.
UBND huyện Hòa Vang và UBND quận Liên Chiểu chỉ đạo và tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn theo phương án phòng, chống lụt, bão các hồ chứa nước.
Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả ATNĐ và mưa lớn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, các công điện, chỉ đạo của UBND thành phố và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó ATNĐ có hiệu quả…
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đến sáng 9-10, Đà Nẵng còn 91 phương tiện/776 lao động đang còn hoạt động trên biển (không có trường hợp nằm trong vùng nguy hiểm).
Trong đó, có 12 phương tiện/148 lao động đang ở nam Hoàng Sa; 2 phương tiện/22 lao động đang ở tây Hoàng Sa; 4 phương tiện/47 lao động đang hoạt động ở khu vực đông bắc Hoàng Sa; 12 phương tiện/112 lao động hoạt động gần bờ Quảng Ngãi đến Bình Định; 3 phương tiện/18 lao động đang hoạt động ở vùng biển Hải Phòng; 10 phương tiện/86 lao động đang hoạt động từ vùng biển Nghệ An – Quảng Bình; 20 phương tiện/150 lao động đang hoạt động tại vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế và 26 phương tiện/193 lao động hoạt động từ vùng biển Đà Nẵng đến Quảng Nam. Các phương tiện đều đã nhận được thông tin, biết được hướng di chuyển của ATNĐ…
Theo báo Đà Nẵng