Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Đà Nẵng – Quảng Nam (cụ thể là Đà Nẵng – Hội An) được xác định là trọng điểm du lịch của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Tuy nhiên, bức tranh liên kết phát triển du lịch giữa Đà Nẵng – Hội An trong thời gian qua vẫn còn rời rạc do chưa có điểm khớp nối giữa 2 địa điểm này.
Khơi thông sông Cổ Cò mở ra những cơ hội phát triển du lịch, giúp khơi thông điểm nghẽn liên kết du lịch Đà Nẵng – Hội An, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó đặc biệt sẽ đẩy mạnh được du lịch Đà Nẵng – Hội An đường thủy – loại hình du lịch tưởng như đã bị quên lãng do sự bồi lắp của dòng Cổ Cò, tạo lực đẩy thúc đẩy phát triển hạ tầng – kinh tế – xã hội Đà Nẵng, Quảng Nam.
Khơi thông dòng chảy lịch sử
Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò bây giờ) đã một thời nhộp nhịp “trên bến dưới thuyền”, đóng vai trò thông thương đường thủy giữa Đà Nẵng – Hội An. Nhưng từ cuối thế kỷ 19, con sông mất đi vai trò của mình do quá trình bồi lắp và bị đứt gãy. Hoạt động thông thương cũng vì thế mà đứt gãy theo, cảnh tấp nập dần mất đi.
Kế hoạch nạo vét, khai thông dòng sông Cổ Cò đã được chính quyền 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đưa ra từ năm 2003, thời điểm Đà Nẵng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I và phố cổ Hội An cũng đang có những kết hoạch cho riêng mình sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, kế hoạch này vẫn còn dang dở.
Tuy nhiên, với việc xác định phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch hiện đại, trong bức tranh du lịch chung khu vực Đà Nẵng – Hội An, và xác định sông Cổ Cò (TX Điện Bàn, Quảng Nam) là cầu nối thương mại, du lịch, văn hóa giữa TP Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam, mà cụ thể là phố cổ Hội An, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng nhận thức được sự cần thiết phải hồi sinh dòng sông lịch sử để gắn 2 thành phố trong tổng thể kinh tế vùng nói chung và du lịch nói riêng. Đó là sẽ có một không gian đô thị bao trùm gồm Đà Nẵng, TX Điện Bàn và Hội An theo hướng giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Sông Cổ Cò được xác định trở thành trục giao thông đường thủy quan trọng phục vụ du lịch.
Dự án nạo vét, khơi thông dòng sông Cổ Cò có chiều dài 28 km (TP Đà Nẵng 9 km) đã được 2 địa phương tích cực triển khai từ đầu tháng 3/2018 đến nay. TP Đà Nẵng đã thông qua và tích cực triển khai các hạng mục khơi thông 9km sông Cổ Cò – đoạn chảy qua địa phận thành phố như nạo nét lòng sông, kè gia cố dọc sông, tạo cảnh quan tuyến đường ven sông….Đến nay, tuyến sông này đã gần như không còn bị tắc. Hiện thành phố đang hướng đến mục tiêu lớn hơn đó là mở lại tuyến du lịch đường thủy nối Đà Nẵng với Hội An, quy hoạch quỹ đất và các hạng mục đầu tư sẵn sàng cho một đô thị “mặt tiền” cửa ngõ vào từ Quảng Nam vào Đà Nẵng.
Về phía tỉnh Quảng Nam, từ năm 2003 đến nay TP Hội An đã chủ động khơi thông nạo vét 9 km dọc sông, 10 km còn lại chảy qua địa phận thị xã Điện Bàn – đoạn sông bị bồi đắp nặng nhất, cũng đang được chính quyền tỉnh Quảng Nam tích cực đốc thúc triển khai. UBND tỉnh đã trình Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án, đồng thời tỉnh cũng đã giao Điện Bàn làm chủ đầu tư giải phóng mặt bằng và tái định cư đoạn 10km còn lại qua thị xã.
Khớp nối du lịch Đà Nẵng – Hội An
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Ngọc (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng), nếu để thành phố Đà Nẵng và Hội An tự tồn tại riêng lẻ sẽ không phát huy được thế mạnh của mình, đồng thời không thể giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa mà hai đô thị đang gặp phải. Thế mạnh của Hội An là một đô thị có bản sắc, là thành phố di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Thế mạnh của Đà Nẵng là một thành phố có cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và hấp dẫn. Nhưng Đà Nẵng và Hội An không thể đứng riêng. Đà Nẵng cần đa dạng hóa hơn nữa cơ cấu kinh tế của mình, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch như hiện nay. Hội An ngược lại cần phải có nơi hấp thu bớt áp lực xây dựng. Lời giải cho bài toán này là xây dựng tại một nơi nào đó giữa Hội An và Đà Nẵng, một nơi vừa hấp thu áp lực phát triển cho Hội An vừa là một động lực kinh tế cho Đà Nẵng và toàn vùng bắc sông Thu Bồn. Xây dựng một thành phố mới ven sông nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An tạo ra một tác động qua lại và lan tỏa, giúp tạo nên động lực cho sự phát triển Vùng đô thị Đà Nẵng – Hội An. Đô thị đó không nơi nào thích hợp hơn là đô thị ven sông Cổ Cò.
Trong định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng về hướng Đông – Nam theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI đã xác định ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nạo vét dòng sông Cổ Cò để khai thác nhiều loại hình dịch vụ du lịch gắn liền với du lịch văn hóa tâm linh, tạo nên quần thể du lịch đa dạng với nhiều loại hình resort ven bờ sông, tham quan, nghỉ dưỡng, du thuyền. Khơi thông dòng sông cũng sẽ có tác dụng rất lớn đến khả năng thoát lũ cho các khu đô thị ven sông.
Dự án sông Cổ Cò khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở lưu vực và kéo theo sự phát triển giao thông, môi trường, bất động sản… Đặc biệt, sông Cổ Cò cũng sẽ “kết nối” du lịch hai địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới.
Theo đại diện một số hãng lữ hành, với việc thông dòng Cổ Cò sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy từ 5 – 6 giờ đồng hồ xuống chỉ còn chưa đầy 2 giờ đồng hồ, đây sẽ là cơ hội lớn để các hãng này phát triển tour du lịch đường sông đi về trong ngày.
Trên thực tế, ngay khi 2 địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam bắt tay vào đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cổ Cò đã tạo lực đẩy mạnh thúc đẩy thị trường bất động sản khu vực dọc sông Cổ Cò trở nên đặc biệt sôi động. Nếu như thành phố Đà Nẵng có những đại dự án như Cocobay, dự án sân Golf, thì phía Quảng Nam, hàng loạt các dự án khu đô thị nằm ở khu vực giáp ranh, nay được định hướng trở thành không gian đô thị chung đang được tạo động lực thúc đẩy hạ tầng phát triển. Thị trường Nam Đà Nẵng ngày càng sôi động với dân cư đông đúc, các công ty đầu tư xây dựng, bất động sản không bỏ quên “miếng bánh béo bở” này. Không chỉ dân địa phương mà nhiều khách hàng khắp nơi đã đổ xô về khu vực hình thành không gian đô thị chung Đà Nẵng – Điện Bàn (Quảng Nam) giúp kinh tế ở đây thay đổi từng ngày.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 26 – KL/TUQN – TUĐN của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xác định khơi thông dòng Cổ Cò là một dự án lớn cần thiết phải được triển khai trong mối quan hệ hợp tác liên kết, hỗ trợ cùng phát triển giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định, khai thông sông Cổ Cò là một dự án lớn, quan trọng nhất, có tác động đến sự phát triển của Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian tới, vì sông Cổ Cò không chỉ là giao thông mà còn là sự kết nối phát triển đô thị, cần phối hợp của 2 địa phương quy hoạch đúng tầm mới có thể phát triển bền vững.
Phan Lý (Bất động sản Miền Trung)