Ngày 14/8, bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tiến đến hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Do vậy, các cá nhân, tổ chức gom mua đất nông nghiệp tại Lý Sơn với giá gấp nhiều lần nhằm chuyển đổi mục đích thương mại sẽ gặp nhiều rủi ro.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Giao ACV đầu tư dự án “siêu sân bay” Long Thành: Nên hay không?
- Rao bán đất dự án đô thị FLC Quảng Ngãi tràn lan tại Đà Nẵng
- Giá đất ở tái định cư tại một số dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Thời gian gần đây, việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn Lý Sơn đang diễn ra rất phức tạp. Một số cá nhân trong, ngoài tỉnh và người dân địa phương mua đất nông nghiệp với mức giá giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2, cao gấp vài chục lần giá nhà nước giao đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất. Trong khi đó, theo quy định bồi thường đất nông nghiệp chỉ có 60.000 đồng/m2. Do vậy, nhiều người dân thấy lợi trước mắt đã bán đất sản xuất.
Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân của việc tăng giá đất nông nghiệp bất thường tại Lý Sơn là do nhu cầu phát triển các loại hình dịch vụ như kinh doanh homestay, nhà hàng, khách sạn ở Lý Sơn ngày càng lớn. Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện nhiều thông tin sắp có nhiều dự án đầu tư vào Lý Sơn. Từ đó, nhiều tổ chức, cá nhân đổ về Lý Sơn để gom đất nông nghiệp, hoặc tìm cách chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, đất dịch vụ thương mại để bán với giá cao gấp vài chục lần. Thấy giá đất nông nghiệp tăng cao, nhiều gia đình trên đảo đã bán đất nông nghiệp, hoặc xin chuyển đổi lên đất ở, đất dịch vụ với giá bán cao hơn để thu lợi trong cơn sốt đất.
Tuy nhiên, huyện sẽ siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tiến đến hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Việc giá đất nông nghiệp bị nâng lên quá cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là gây khó khăn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển kinh tế xã hội trên đảo, phá vỡ quy hoạch của đảo. Nhưng hệ luỵ sâu xa là người dân đã bán đất sẽ không còn tư liệu sản xuất, cuộc sống rơi vào thế khó khăn, bấp bênh, thiếu việc làm… Còn người mua sẽ đứng trước nhiều rủi ro bởi hiện nay huyện đang siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tiến đến hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tất cả các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng, tách thửa đều phải trình lên UBND tỉnh, mà cụ thể là Chủ tịch tỉnh quyết định sau khi thẩm tra.
Điều đáng lo ngại là nhiều hồ sơ xin tách thửa của hộ gia đình, cá nhân chia cắt từ công trình nhà ở và các công trình phục vụ nhà ở đã xây dựng kiên cố, hay tách thửa đất nhỏ hơn, tự làm đường để bán… làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch… gây khó khăn cho chính quyền địa phương.
Hiện nay, nhiều dự án trên địa bàn huyện đang vướng mắc khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng do ảnh hưởng từ việc tăng giá đất đột biến thời gian qua. Dự án mở rộng di tích Lăng Tân đang vướng vì còn 3 hộ không đồng ý bàn giao mặt bằng, đất nông nghiệp vì họ yêu cầu phải bồi thường 1 triệu đồng/m2, quá cao so với giá đền bù chung theo quy định của nhà nước.
Trước tình trạng này, UBND huyện Lý Sơn đã chỉ đạo rà soát, tăng cường công tác quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, yêu cầu những cá nhân mua đất nông nghiệp phải ký cam kết chấp nhận mức bồi thường theo giá Nhà nước nếu nằm trong diện thu hồi đất.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về đất đai để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc quản lý, sử dụng đất đúng quy định.
“Để tránh tình trạng rủi ro cho các bên, huyện khuyến cáo người bán và người mua cần cẩn trọng trong các giao dịch đất đai. Huyện sẽ siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tuyệt đối không để tình trạng mua bán đất nông nghiệp tiếp diễn”- bà Hương khẳng định.
Theo báo Tài nguyên