Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, thậm chí cấm nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp rủi ro, mua nhà đất qua lập vi bằng, có người lâm cảnh mất nhà, nguy cơ trắng tay.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Đà Nẵng: Nhiều sai phạm trong sử dụng đất qua cổ phần hóa doanh nghiệp
- Hot: Tìm người bị hại vụ “Cò đất” lừa hơn 4 tỷ tại Đà Nẵng
- Golden Hill Đà Nẵng chết đứng, “Vua hàng hiệu” hủy kế hoạch hủy kế hoạch mở khu phi thuế quan, outlet 10.000 tỷ đồng
Gần tuần nay, 9 hộ dân sinh sống trên khu đất thuộc phần thửa 352, tờ bản đồ số 1, thuộc hẻm 56, đường 42, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thấp thỏm như ngồi trên lửa khi UBND phường cưỡng chế phá dỡ các căn nhà xây dựng sai phạm trên khu đất.
Toàn bộ các căn nhà này đều được mua bán qua lập vi bằng.
Nhiều người dân nghe nhà đất bán bằng giấy tay sẽ không mua, nhưng môi giới thổi tai về giá trị vi bằng giống hợp đồng công chứng lại tin tưởng mua. Họ không biết hai dạng mua bán này rủi ro đều giống nhau
————– Một thẩm phán của TAND Q.Bình Tân ————–
Khốn khổ vì tin vào vi bằng
Trên khu đất, một đống vật liệu được phá dỡ nằm ngổn ngang. Dãy nhà 9 căn hiện chỉ còn 3 căn còn nguyên vẹn. Sáu gia đình bị phá dỡ nhà đã phải di tản thuê trọ ở. Nhiều vật dụng, đồ đạc của họ chưa chuyển đi hết được chỉ che chắn sơ sài.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chủ khu đất này xin phép xây dựng sân cầu lông, nhưng sau đó lại chia công trình thành 12 thửa đất và bán giấy tay qua lại nhiều người.
Điều đáng nói là một số người dân đã mua nhà tại đây sau khi có quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình của thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM.
Không ít trường hợp người mua nhà đất không am tường pháp lý, lại bị người môi giới và người bán chỉ dẫn lập vi bằng giao nhận tiền và ký biên nhận thỏa thuận mua bán để đảm bảo nên tin tưởng đổ tiền ra mua.
Bà N.T.H. là một trường hợp như thế. Gia đình bà từ Vũng Tàu đến TP.HCM thuê trọ, làm ăn sinh sống 10 năm nay.
Bà làm tạp vụ khách sạn, chồng chạy xe ôm, con trai lớn đi xuất khẩu lao động. Sau nhiều năm tích cóp được ít tiền, vợ chồng bà tính mua căn nhà để ổn định cuộc sống. Qua môi giới, bà được giới thiệu căn nhà 60m2 với giá 905 triệu đồng.
Tháng 4-2018, hai bên lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền. Nhưng chỉ sau bốn tháng dọn vào ở, cả nhà bà phải ngậm ngùi dời đi. “Nhà bị đập, toàn bộ số tiền tích cóp lâu nay có nguy cơ mất trắng. Giờ làm sao tìm được chủ nhà cũ để đòi tiền, mà cũng chẳng biết bấu víu vào đâu” – bà H. than vãn.
May mắn chưa bị đập nhà, ông Nguyễn Văn Kiên (Q.Thủ Đức) vẫn đứng ngồi không yên khi nhìn nhà hàng xóm bị đập trắng. Người bán nhà cho ông cũng mua bằng vi bằng từ chủ trước.
Khi mua, hai bên yêu cầu Văn phòng thừa phát lại Q.8 lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền. Văn bản thỏa thuận mua bán cũng nhờ thừa phát lại lập và ký ngay địa điểm lập vi bằng. Địa điểm lập vi bằng nằm ngay trong văn phòng công chứng nên ông càng tin tưởng hơn.
Nghĩ vậy là đảm bảo, ông không ngờ bị lừa.
“Thấy cơ quan nhà nước ký nhận việc giao nhận tiền thì cứ nghĩ chứng nhận mua bán đúng quy định, ai biết chỉ chứng chuyện giao nhận tiền. Biết vi bằng không có giá trị xác nhận mua bán ai dám đưa cả tài sản ra mà mua” – ông Kiên chia sẻ.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Thị Tường Hạnh – trưởng Văn phòng thừa phát lại Q.8 – cho biết khi lập vi bằng đã giải thích cho các bên hiểu rõ tính pháp lý của vi bằng. Thừa phát lại không biết việc giao nhận tiền để thực hiện việc mua bán nhà đất bằng giấy tay.
Riêng văn bản thỏa thuận, có thể sau khi lập vi bằng, hai bên nhờ nên phía thừa phát lại làm giúp. Việc này không tính phí nên thừa phát lại không chịu trách nhiệm!
Thừa phát lại có tiếp tay?
Tại các quận huyện vùng ven, tình trạng mua bán nhà đất “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung sổ đỏ, chung số nhà) bằng giấy tay thông qua lập vi bằng diễn ra khá rầm rộ.
Có trường hợp cùng một khu đất (nhà), việc mua bán được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người. Không ít người dân đã lãnh hậu quả nặng nề vì “mắc bẫy” mua phải nhà bằng hình thức lập vi bằng.
Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) giải thích: “Một số người môi giới nhà đất sử dụng lập lờ thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn nhằm “dụ dỗ” khách hàng tin vào sự đảm bảo về pháp lý khi mua nhà đất không hợp pháp.
Nhiều trường hợp, nhà đất được thế chấp trong ngân hàng, xây dựng sai phạm… nhưng chủ sở hữu cố tình lập lờ mua bán bằng giấy tay qua lập vi bằng dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi xử lý vụ việc và gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân”.
Khi được Tuổi Trẻ cung cấp một số vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền của các hộ dân tại P.Hiệp Bình Chánh, đại diện Sở Tư pháp cho biết sẽ chuyển số vi bằng này cho thanh tra sở kiểm tra. Nếu thanh tra sở xác minh được sai phạm sẽ xử lý văn phòng thừa phát lại.
Bà Phan Thị Bình Thuận – phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM – cho biết vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận và chứng minh sự kiện, hành vi có diễn ra. Thừa phát lại không ghi nhận các bên có mua bán nhà đất bằng giấy tay hay chứng nhận hành vi, sự việc mua bán đó đúng hay sai.
Từ cuối tháng 10-2017, sở đã chỉ đạo cấm các văn phòng thừa phát lại cố tình lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu việc mua bán nhà đất không đầy đủ giấy tờ pháp lý.
Khi lập vi bằng, thừa phát lại phải giải thích cho người dân hiểu rõ về giá trị pháp lý của vi bằng. Ngoài ra, vi bằng được lập phải gửi lên sở tư pháp để đăng ký, kiểm soát chặt nội dung.
Tuy nhiên, thực tế nhiều thừa phát lại không giải thích hoặc giải thích không cụ thể chi tiết, đầy đủ về giá trị vi bằng cho người dân. Hoặc các môi giới nhà đất (“cò” đất) cố tình làm cho người dân ngộ nhận về giá trị của vi bằng dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý cho người dân.
Có trường hợp chính thừa phát lại giúp hai bên mua bán lập văn bản thỏa thuận, nhưng khi vi bằng nộp lên chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền nên khó phát hiện sai phạm.
“Hiện trang web của Sở Tư pháp TP.HCM và trang Facebook Thừa phát lại TP.HCM có phổ biến về giá trị vi bằng. Ngoài ra, sở cũng đã đưa vào mẫu vi bằng chung câu “Vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ, không xác lập giao dịch” để khuyến cáo về mặt pháp lý cho người dân” – bà Thuận nói.
Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2018 có gần 43.000 vi bằng được lập, trong đó 95% là ghi nhận việc giao nhận tiền. Tính từ tháng 5 đến nay, sở ghi nhận hơn 1.000 vi bằng có dấu hiệu vi phạm, nhưng khi mời người dân có liên quan đến làm việc, chỉ chưa đến 20 người có mặt. |