Rời xa quê nhà với khát vọng lập nghiệp ở nơi đất khách, phần lớn người nhập cư đều ao ước một chốn an cư yên tâm làm việc dù có phải vay mượn số tiền rất lớn.
Đà Nẵng từ lâu được biết đến là nơi lập nghiệp lý tưởng thu hút người dân tứ xứ, tuy hạn chế về số lượng việc làm, mức lương trung bình nhưng bù lại ở đây có chi phí vừa phải, người dân hiền hòa. Lương thấp, chi phí sinh hoạt nhiều khoản phát sinh, tiền nhà ở luôn chiếm một khoản cực kì nhiều so với tổng thu nhập khiến người nhập cư các nơi khó có thể dành dụm tiền để xây cất nhà ở.
Một nhân viên bình thường ở các công ty tư nhân có thu nhập 5 triệu một tháng, nhỉnh hơn thì rơi vào 7 triệu đồng, 10 triệu một tháng ở đây được đánh giá là mức lương cao. Tính với mức lương cao nhất, người lao động mất 10 năm không ăn tiêu tích lũy được khoản 1 tỷ mới chạm tay đến việc mua được một lô đất nền.
Thế nhưng đó là chuyện của vài năm trước, hiện nay khi quỹ đất cạn kiệt, giá đất lên cơn sốt thì để mua đất xây nhà phải xác định trong tay có ít nhất trên dưới 1,5 tỷ. Đấy là với những người có thu nhập cao, người lao động ở các khu công nghiệp thì ước mơ nhà ở mãi mãi còn xa vời.
Vậy cả đời người nhập cư thu nhập thấp sẽ chấp nhận sống trong các khu nhà trọ ẩm thấp, mùa đông thì nước tràn, mùa hè nóng nực, an ninh không đảm bảo và đặc biệt luôn tăng theo thời gian mà chất lượng thì… y như cũ.
Có chăng để hoàn thiện giấc mơ, họ lại tiếp tục… mơ về những chung cư xã hội do nhà nước xây dựng với mức giá rơi vào khoản 500 triệu đồng. Hiện tại trên khu vực Đà Nẵng, các dạng chung cư xã hội cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, các điều kiện đánh giá, thẩm định cũng vô cùng khắt khe, riêng với người lao động thuộc các khu công nghiệp thì họ gần như thuộc diện ngoài đối tượng ưu tiên.
Vòng lẩn quẩn không tìm được lối ra, người lao động nhập cư trở lại với giấc mơ về quê cùng với khoản tích lũy riêng. Về quê, chấp nhận cuộc sống vất vả, thu nhập không ổn định chưa kể gánh nặng gia đình, họ phải tiếp tục đối mặt với nỗi lo mới.
Cuộc sống luôn có những trái ngược mà không ai trong chúng ta không nhìn thấy, người giàu sẽ ngày càng giàu lên, người nghèo khát khao đổi đời nhưng mãi chật vật trong cuộc sống. Bất động sản tăng cao kéo theo khoảng cách ấy sẽ ngày càng tách biệt.
K. Huy (Bất động sản miền Trung)