Thời gian gần đây, sau nhiều lần đến trụ sở Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP.HCM đòi lại tiền nhưng không được giải quyết, sáng 26-8, các khách hàng từng bỏ tiền mua đất của công ty này đã căng băng rôn trước cổng công ty quyết đòi bằng được số vốn đã đầu tư.

CÓ THỂ QUAN TÂM:

Giao đất nền chỉ có bốn trụ đá

Ông Phùng Tiến Tài (quê Đồng Tháp), một người mua đất của Alibaba, cho biết: “Năm 2017, tôi đầu tư vào dự án Alibaba Long Phước 5 với mục đích là định cư. Tuy nhiên, sau hai năm, đến nay Alibaba không làm đúng hợp đồng đã ký. Họ bàn giao đất cho mình là đất nông nghiệp chứ không phải đất thổ cư có dự án như cam kết”.

Theo ông Tài, dự án được quảng cáo rất hoành tráng nhưng khi nhận đất ông thất vọng nặng nề vì đó chỉ là một bãi đất nông nghiệp trống không. Công ty chỉ cắm bốn cọc đá xung quanh đất rồi cho biết đó là đất của ông. “Tôi đã đóng 330 triệu đồng (95% hợp đồng). Họ không làm đúng cam kết nên tôi lên đòi lại tiền nhưng công ty đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết cho khách” – ông Tài bức xúc.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Phú Quý (ngụ Đồng Nai) cũng có mặt tại trụ sở Alibaba để đòi quyền lợi. Ông Quý đã mua bốn lô đất ở dự án Tân Thành Center City 5 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo hợp đồng, Alibaba cam kết lợi nhuận sau sáu tháng, nghĩa là đến thời hạn ấy họ sẽ phải mua lại nền đất trên với lãi suất thỏa thuận. Thế nhưng đến nay đã là 13 tháng phía công ty chưa thực hiện cam kết, còn dự án thì bị cơ quan chức năng cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu. Đây là lần thứ năm ông Quý lên trụ sở công ty để đòi số tiền 1,5 tỉ đồng ông đã đầu tư.

Sau khi để khách hàng chờ gần một tiếng đồng hồ, Công ty Alibaba cử nhân viên ra tiếp và trả lời do không có lịch hẹn trước nên không thể giải quyết cho khách.

“Thật sự là bế tắc, tôi không biết phải làm gì, tôi đã liên lạc, gửi văn bản, gọi số hotline nhưng đến lịch hẹn, họ vẫn né tránh, không cho người có thẩm quyền giải quyết sự việc” – ông Quý tức giận. Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cũng đã có mặt để ghi nhận sự việc.

vu-dia-oc-alibaba-khach-hang-dong-long-viet-don-to-giac-lua-dao-2
Người dân đến trụ sở Công ty Alibaba để căng băng rôn đòi quyền lợi. Ảnh: K.CƯỜNG

Chuyển đơn khởi kiện thành đơn tố giác

Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, đại diện pháp luật cho ông Quý và một số khách hàng khác cũng là nạn nhân của Alibaba, cho biết đang triển khai việc chuyển các vụ việc này từ khởi kiện dân sự sang hình sự để đòi quyền lợi cho khách hàng.

“Ban đầu tôi hướng dẫn các đương sự nộp đơn lên tòa án để kiện Alibaba. Sau đó nhận thấy việc giải quyết ở tòa có thể chỉ là vụ việc tranh chấp dân sự nên tôi đã hướng dẫn khách hàng rút đơn kiện, nộp đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Alibaba với Bộ Công an” – luật sư Cường phân tích.

Cụ thể, ông Cường cho biết trong đơn tố giác tội phạm, khách hàng của Alibaba tố cáo dấu hiệu lừa đảo bắt đầu từ lúc các nhân viên của Alibaba dẫn khách hàng đi giới thiệu dự án.

“Các thông tin quảng cáo dự án trên website Alibaba đều cho biết đây là đất có thổ cư, đầy đủ tiện ích, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi đi thực tế thì chỉ là bãi đất trống. Khi khách yêu cầu xem cơ sở pháp lý, nhân viên bán hàng cho biết công ty đang phân tách và lên thổ cư từng nền. Họ còn cam kết sau sáu tháng cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thiện và sau 12 tháng sẽ có sổ đỏ cho khách đứng tên từng lô” – luật sư Cường nói tiếp.

Đến sáu tháng sau, khi khách hàng yêu cầu Alibaba bàn giao đất nền có cơ sở hạ tầng thì công ty nói chưa xong và tiếp tục hứa hẹn. Cho đến khi giao đất tình trạng vẫn không thay đổi.

“Nhận thấy đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên khách hàng đã làm đơn đề nghị Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các cá nhân liên quan của Công ty Alibaba theo đúng quy định pháp luật” – ông Cường khẳng định.

Trong buổi livestream mới đây, ông Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Địa ốc Alibaba, vẫn tự tin khẳng định: “Tại địa ốc Alibaba là cơ hội đầu tư đất nền, giá rẻ, thổ cư. Khách hàng nào nghe nói chúng tôi chưa có sổ thì có thể lên xem, sổ đỏ ở đây”. CEO này giải thích tiếp một dự án 179 ha thì có vài ngàn mét vuông thổ cư rồi sẽ dần dần lên thổ cư tiếp, nếu lên hết mà không sử dụng sẽ rất… lãng phí, để tiền đó để đi mua đất tiếp.

Liên quan đến các tố cáo của khách hàng, hiện công an hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có giấy mời các khách hàng mua đất của Công ty Alibaba lên tìm hiểu thông tin.

Trong một động thái khác, nhiều thông tin cho biết Bộ Công an đã làm việc với các ngân hàng để phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Thái Lĩnh (đại diện pháp luật của Công ty Alibaba) và bà Võ Thị Thanh Mai (phụ trách tài chính của công ty).

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Đánh giá
Đội ngũ Admin

Với phương châm hoạt động chính là "Mỗi khách hàng, mỗi cộng sự là một bằng hữu và mỗi sản phẩm là một lời cam kết giá trị"