Ngày 27-5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Các đại biểu lo ngại các dạng thức bòn rút công sản qua việc đổi đất lấy hạ tầng; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đất đai theo ý nhà đầu tư, phục vụ cho nhóm lợi ích… Dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, kiện tụng kéo dài…

TIN LIÊN QUAN:

Đổi đất lấy hạ tầng, đất công bị bòn rút - Ảnh 1

Quyền lợi của người dân chưa thực sự được quan tâm

Thảo luận tại hội trường báo cáo giám sát về quy hoạch đất đai tại đô thị của Quốc hội, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đều khẳng định một trong những bất cập của chính sách đất đai hiện nay là giá đất bồi thường cho người dân không sát giá thị trường khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng nếu không chấm dứt tình trạng này để đảm bảo lợi ích của người dân thì tình trạng khiếu kiện còn kéo dài, ngân sách còn thất thoát.

“Đất đai là của dân, dân đã trao quyền đại diện chủ sở hữu cho Nhà nước nên Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân… Không xác định được giá đất thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai” – ĐB Hàm nhấn mạnh.

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, triển khai dự án, có những quy định của pháp luật, hành vi của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và một bộ phận công chức, viên chức và nhà đầu tư… chưa coi trọng đúng mức đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. “Nhiều ý kiến có lý, có tình của người dân chưa được các cấp chính quyền chủ động quan tâm dẫn đến sai sót, bất hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân, tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch, trong một số dự án” – bà nói.

Theo bà, khi thực hiện dự án, nếu có sai sót thì phải cầu thị, sửa sai, không được đẩy cái sai, cái khó, cái thiệt thòi về phía người dân…

Đổi đất lấy hạ tầng, đất công bị bòn rút - Ảnh 2
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho là nhiều lãnh đạo tỉnh điều chỉnh quy hoạch gây hệ lụy xấu vì sự chi phối của doanh nghiệp. Ảnh: TN

Đổi đất lấy hạ tầng: Đất công bị bòn rút

Một trong những nội dung được nhiều ĐB bàn luận nhiều là kẽ hở trong việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) khiến tài sản công, đất đai bị các nhóm lợi ích thâu tóm, bòn rút.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho hay cơ chế đổi đất lấy hạ tầng được coi là sáng kiến của Bà Rịa-Vũng Tàu từ những năm 1990 nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế do chính sách pháp luật về cơ chế này chưa hoàn thiện, nhiều lỗ hổng bị lợi dụng.

“Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi giao cho nhà đầu tư thực hiện, nơi thì chậm tiến độ, nơi thì đội vốn, có dự án doanh nghiệp đã nhận quỹ đất đối ứng rồi mải mê tiến hành xây dựng, phân lô bán nền, bỏ quên phần hạ tầng giao cho Nhà nước…” – ĐB Bình nói.

Theo ông, chính “cơ chế thỏa thuận” giữa cơ quan nhà nước trong việc thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT bằng đất trước khi nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng là lỗ hổng khiến tài sản đất công bị thất thoát. “Đây là kẽ hở của pháp luật tạo ra” – ông nói.

Từ đó, ông đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện ngay các quy định về đấu giá đất gắn với hình thức đầu tư BT. Mặt khác chỉ nên áp dụng hình thức đầu tư này tại các tỉnh kém phát triển, tại các đô thị phát triển thì nên thực hiện đấu giá đất để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. “Mọi dự án BT phải được công khai, có sự giám sát của người dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền” – ông nói.

Trình bày báo cáo giám sát của Quốc hội về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ có nhiều bất cập trong việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT. Các bất cập hay gặp là chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính làm cơ sở đấu thầu dự án đầu tư và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.

“Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước” – ông Thanh nói.

Điều chỉnh quy hoạch theo ý doanh nghiệp

Thay mặt Chính phủ, phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị còn nhiều thiếu sót và cần giải pháp để khắc phục.

Hiện mới chú ý phát triển nhà ở cho người có thu nhập, còn nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân ít được quan tâm. Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, sử dụng đất đai còn thất thoát, lãng phí làm thiệt hại nền kinh tế và bức xúc trong xã hội, bồi thường tái định cư còn nhiều bất cập và là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện.

Nguyên nhân theo Phó Thủ tướng là do hệ thống pháp luật còn khoảng trống, chồng chéo, khó thực hiện. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch chậm được thực hiện, điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư như tăng chiều cao, diện tích mật độ xây dựng tạo ra khu đô thị chật chội, không an toàn về cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích người dân cần phải khắc phục trong thời gian tới.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát, khắc phục quy hoạch treo, dự án treo. Bồi thường tái định cư phải đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, nhất là cuộc sống người dân sau bồi thường, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiếp tay cho sai phạm” – Phó Thủ tướng nêu rõ.

5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ Admin

Với phương châm hoạt động chính là "Mỗi khách hàng, mỗi cộng sự là một bằng hữu và mỗi sản phẩm là một lời cam kết giá trị"